TP HCM hiện nay có những đường Vành đai nào?

TP HCM hiện nay có những đường Vành đai nào? Các đường vành đai được quy hoạch, triển khai nhằm rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối giao thông thuận lợi giữa các tỉnh và thành phố trong vùng.

Đường Vành đai là gì?

Đường vành đai hay còn gọi là đường bao, có thể là xa lộ hoặc cao tốc, là tuyến đường bao quanh thành phố, kết nối với các đường quốc lộ, tỉnh lộ, giúp cho việc di chuyển trực tiếp vào các đường phố thuộc khu vực nội đô của một thành phố hoặc một vùng đô thị.

Đặc điểm của đường vành đai

– Đường vành đai thường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, yêu cầu khắt khe trong quá trình xây dựng và kiểm định chất lượng. Điều này nhằm đảm bảo cho độ bền của đường với thời gian đồng thời đảm bảo tuyệt đối cho người tham gia giao thông khi lưu thông trên đường.

– Đường vành đai thường rộng, có thể đi được nhiều làn xe.

– Kết cấu mặt đường vững chắc bảo đảm xe chạy tốc độ cao.

– Hai bên đường vành đai là hệ thống rào chắn an toàn, chắc chắc. Các cột mốc, biển hiệu chỉ đường luôn luôn phải đảm bảo đầy đủ và chính xác, định hướng cho người tham gia giao thông được thuận tiện hơn.

Vai trò của đường Vành đai

Giải quyết bài toán quá tải xe lưu thông ở nội thành TP HCM.

Giúp việc lưu thông giữa các tỉnh vùng ven TP Hồ Chí Minh không bị phụ thuộc vào các tuyến đường nội thành.

Làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của vùng ngoại thành.

Phù hợp với xu hướng kéo giãn dân ra ngoại thành của TP Hồ Chí Minh.

Giao thông thuận tiện, kết nối nhanh chóng sẽ làm giá trị bất động sản vùng ven được đẩy cao, cơ hội cho nhà đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh có bao nhiêu đường Vành đai?

Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch 4 đường Vành đai với tổng chiều dài hơn 380km, nhưng đến nay mới hoàn thành hơn 90km. Trong đó tuyến đường Vành Đai 4 là bao quanh ngoài cùng của TP Hồ Chí Minh nhất và cũng là dài nhất, tuyến đường ngắn nhất và trong cùng là đường Vành đai 1.

Đường Vành đai 1

Vành đai 1: có chiều dài 26.4km đi qua Thành phố Thủ Đức, quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 8 và huyện Bình Chánh. Tuyến Vành đai 1 bắt đầu từ đường Phạm Văn Đồng (Ngã 4 Linh Xuân) – Bạch Đằng – Trường Sơn – Hoàng Văn Thụ – Hồng Lạc – Thoại Ngọc Hầu – Hương lộ 2 – Kinh Dương Vương – Nguyễn Văn Linh.

Đường Vành đai 1 giúp giảm tình trạng xe quá tải lưu thông vào nội thành và đồng bộ cơ sở hạ tầng các vùng ngoại thành, kích thích giãn dân ra khu vực vùng ven TP HCM.

Đường Vành đai 2

Vành đai 2: có tổng chiều dài 64 km, quy mô 6 – 10 làn xe. Đây là tuyến đường Vành đai quan trọng nhất với lộ trình chạy qua Thành phố Thủ Đức, quận 2, quận 7, quận 8, quận 12, quận Bình Tân và 2 huyện Bình Chánh, Hóc Môn.

Tuyến đường này được quy hoạch từ năm 2007, nhưng đến nay toàn tuyến mới xong 50km, còn 14km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành. Sau khi được hoàn thành khép kín, Vành đai 2 giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Ngoài ra, tuyến đường này còn giúp kết nối cảng biển và các tuyến giao thông quan trọng khác như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 1, quốc lộ 13,…

Đường bắt đầu từ nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (Quốc lộ 1, Q.Thủ Đức) – nút giao thông cầu vượt Bình Phước (giao với Quốc lộ 13) – nút giao thông An Sương (giao với Quốc lộ 22). Đoạn này trùng với Quốc lộ 1 và đã hoàn thiện.

Nút giao thông An Sương (giao với Quốc lộ 22) – ngã ba An Lập (vòng xoay Tân Tạo) (Quốc lộ 1 giao với đường Hồ Ngọc Lãm): Đoạn này trùng với Quốc lộ 1 và đã hoàn thiện.

Đường Hồ Ngọc Lãm – bến phà Phú Định qua cầu kênh Đôi – đường Trịnh Quang Nghị – Nguyễn Văn Linh (giao với đường Trịnh Quang Nghị). Đoạn này chưa được khép kín hoàn toàn vì còn chờ làm cầu Phú Định.

Đường Nguyễn Văn Linh – cầu Phú Mỹ: Đoạn này đã hoàn thiện. (đoạn này là trục đường Nguyễn Văn Linh ra cầu Phú Mỹ).

Cầu Phú Mỹ – đường Võ Chí Công – cầu Phú Hữu. Đoạn này đã hoàn thiện.

Cầu Rạch Chiếc – đường Võ Chí Công – ngã tư Bình Thái (trên trục đường xa lộ Hà Nội): Đoạn này mới hoàn thiện đoạn đường Võ Chí Công khu công nghệ cao, đoạn từ Võ Chí Công ra ngã tư Bình Thái, đoạn này chưa hoàn thiện.

Ngã tư Bình Thái (trên trục đường xa lộ Hà Nội) – ngã ba Linh Đông (giao với đường Phạm Văn Đồng) – nút giao Gò Dưa: Đoạn đường Vành Đai này chưa hoàn thiện.

Đường Vành đai 3

Vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài 76.34 km, đi qua 4 tỉnh thành, bao gồm đoạn qua TP HCM dài 47.51km, đoạn qua Đồng Nai dài 11.26km, đoạn qua dài Bình Dương 10.76km và đoạn qua tỉnh Long An 6.81km. Đường Vành đai 3 được đề xuất quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp ở hai bên, là đường cao tốc đô thị cho xe lưu thông với vận tốc 100 km/h.

Đường Vành đai 3 có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, và điểm cuối tại nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư của dự án đường Vành đai 3 là 75.378 tỉ đồng, gồm 50% vốn trung ương và 50% vốn địa phương.

Đường Vành đai 3 được chia thành 4 đoạn:

Đoạn 1: Đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, dài 34,28 km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai (đường vành đai 3 Nhơn Trạch) và TPHCM.

Đoạn 2: Đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn (đường vành đai 3 Bình Dương), dài 16,7 km. (đã hoàn thiện và khai thác).

Đoạn 3: Đoạn quốc lộ 22 – Bình Chuẩn dài 19,1 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Dương và TP.HCM.

Đoạn 4: Đoạn Bến Lức – quốc lộ 22 dài 28,9 km, đi qua địa phận TP.HCM và tỉnh Long An.

Theo kế hoạch triển khai dự án, tháng 10/2022 sẽ bắt đầu bàn giao mặt bằng, đến cuối năm 2023 nhận bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Dự kiến thời gian thi công dự án là 36 tháng, đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025. Hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Đường Vành đai 4

Vành đai 4 có tổng chiều dài 198 km, đi qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Long An. Dự kiến tổng mức đầu tư 100,000 tỉ đồng. Được duyệt năm 2013, tuyến vành đai này có vai trò chiến lược trong liên kết vùng, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên sau 8 năm, tuyến đường chưa được hình thành.

Đường Vành đai 4 chia làm 5 đoạn, trong đó đoạn Bến Lức – Hiệp Phước (dài gần 36 km), tổng vốn 20,000 tỉ đồng đang được nghiên cứu đề xuất đầu tư. Các đoạn còn lại chưa khởi động gồm: Phú Mỹ – Trảng Bom (hơn 45 km), Trảng Bom – quốc lộ 13 (52 km), quốc lộ 13 – quốc lộ 22 (gần 23 km), quốc lộ 22 – Bến Lức (hơn 41 km).

Đoạn 1: Đoạn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) đến Trảng Bom – Đồng Nai (quốc lộ 1A).

Đoạn 2: Đoạn từ quốc lộ 1A (Trảng Bom – Đồng Nai) đến quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương) dự kiến hoàn thành trước 2025.

Đoạn 3: Đoạn quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương) đến quốc lộ 22 (Củ Chi – TP Hồ Chí Minh) hoàn thành trước 2024.

Đoạn 4: Từ quốc lộ 22 (Củ Chi – TP Hồ Chí Minh) đến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương (Bến Lức – Long An) dự kiến hoàn thành trước 2023.

Đoạn 5: Đoạn Bến Lức – Long An (giao với cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương) đến cuối tuyến trục Bắc – Nam TP Hồ Chí Minh (cảng Hiệp Phước – TP Hồ Chí Minh) hoàn thành trước 2017.

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan