TP HCM: Đưa 5 huyện lên quận

TP HCM: Đưa 5 huyện lên quận. Ủng hộ chủ trương đưa 5 huyện lên quận của TP HCM, các chuyên gia kinh tế cho rằng thành phố cần phải tính toán cụ thể về mặt quy hoạch đô thị, không nóng vội mà phải đi từng bước.

UBND TP HCM vừa ban hành Kế hoạch khẩn về xây dựng Đề án Đầu tư – xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021 – 2030, gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.

Xây dựng 5 đề án nhánh

UBND TP HCM nhấn mạnh việc xây dựng Đề án là tiền đề, cơ sở để chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030 nhằm thực hiện Chương trình Đột phá đổi mới quản lý thành phố đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.

Theo kế hoạch này, TP HCM sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng các tiêu chuẩn của huyện, xã – thị trấn theo quy định về phân loại đô thị, về tiêu chuẩn đơn vị hành chính để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị đạt tiêu chuẩn của quận (hoặc thành phố) và phường trực thuộc.

Ngoài ra, để có cơ sở triển khai các giải pháp thúc đẩy tiến trình chuyển huyện thành quận (hoặc thành phố) nhanh và bền vững, TP HCM sẽ xây dựng 5 đề án nhánh về phát triển và phân công từng sở, ngành thực hiện các đề án này. Cụ thể: Kinh tế đô thị (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Văn hóa đô thị (Sở Văn hóa và Thể thao), Hạ tầng đô thị (Sở Quy hoạch và Kiến trúc), Con người đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển) và Quản lý nhà nước (Sở Nội vụ).

TP HCM sẽ ưu tiên ngân sách tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới. Thành phố cũng tạo điều kiện huy động nguồn lực người dân, doanh nghiệp phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại… Đất tại các đô thị mới, các điểm dịch vụ sẽ được đấu giá để tạo vốn phát triển hạ tầng. Có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài đáp ứng yêu cầu của phát triển, nâng cao trình độ dân trí, khoa học – công nghệ, văn minh đô thị; năng lực tổ chức vận hành bộ máy, quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.

Cần đi từng bước

TS Cao Vũ Minh, Trường Đại học Luật TP HCM, cho rằng bây giờ là “thời cơ chín muồi” để thành phố bắt tay vào thực hiện kế hoạch này. Kế hoạch này rất phù hợp với việc TP HCM đang thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM và Nghị quyết 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM. Đồng thời, hoạt động này cũng là từng bước hiện thực hóa sự chính danh của các huyện.
TS Cao Vũ Minh lưu ý không nên nóng vội mà cần đi từng bước, có cơ sở pháp lý thực tiễn, rõ ràng, khoa học… Việc cưỡng ép đô thị hóa không giúp ích gì cho cơ sở vật chất, cũng như sự chăm sóc cho người dân. Trong khi đó, chính quyền đô thị hướng đến mục đích cuối cùng là tạo ra sự thuận lợi và mức độ thụ hưởng của người dân.

TS-KTS Võ Kim Cương cho rằng cần tránh ý định chủ quan là muốn lập tức chuyển đất huyện thành đất quận mà không quan tâm đến tiêu chuẩn về đô thị, hạ tầng. “Có lẽ ý nghĩa sâu xa của ý tưởng này là muốn chuyển đất nông nghiệp thành đất đô thị khi chuyển huyện thành quận” – ông nói.

Theo ông, dù là quận hay huyện thì vẫn có đất nông nghiệp, chứ không phải quận là 100% đất đô thị. Trong một đô thị, đất đai ở mỗi địa điểm có vai trò khác nhau. Cho nên không thể đánh giá giá trị kinh tế của công viên so với khách sạn. Cũng không thể đánh giá giá trị của rừng Cần Giờ so với trung tâm thành phố” – TS-KTS Võ Kim Cương phân tích. Từ đó, ông cho rằng không thể có chuyện thành phố này 100% là đất đô thị theo nghĩa bê-tông hóa, mà phải có khu vực đất dự trữ, đất rừng, đất nông nghiệp… và phải theo quy hoạch đô thị là bảo đảm môi trường sống và nhu cầu sinh thái.

Lộ trình từ huyện thành quận

UBND TP HCM cho biết trên cơ sở hiện trạng các tiêu chí, tiêu chuẩn của huyện, xã – thị trấn và đề xuất mô hình của huyện, Sở Nội vụ sẽ xây dựng các phương án, báo cáo UBND TP HCM trình ban Thường vụ Thành ủy thành phố thống nhất chủ trương về chuyển đổi huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM).

Sau khi chủ trương được phê duyệt, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TP HCM bổ sung phương án chuyển huyện thành quận (hoặc thành phố) vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phước Sửu

Theo Người lao động

Rate this post

Comments are closed.

Bài viết liên quan