“Siêu dự án” đường 56 nghìn tỷ sắp xây dựng, hàng triệu người dân vùng đô thị TP.HCM mở rộng sẽ hưởng lợi
Tuyến đường Vành đai 3 kết nối TP.HCM với 3 tỉnh Bình Dương – Long An – Đồng Nai là dự án trọng điểm, chiến lược để phát triển kinh tế xã hội của vùng đô thị mở rộng TP.HCM.
Xem thêm:
UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ Giao thông – vận tải kiến nghị Chính phủ cho triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn thành phố. UBND TP.HCM sẽ tạm ứng ngân sách hơn 2.900 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại Đồng Nai, tuyến đường này đang được UBND huyện Nhơn Trạch triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, tuyến vành đai 3 có chiều dài 97.7km. Toàn tuyến được chia làm 4 đoạn. Cụ thể đoạn từ Bình Chuẩn – Tân Vạn (Bình Dương) dài 16.7km. Đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34.3km. Đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương) – QL22 (TP.HCM) dài 17.5km. Và đoạn QL22 – Bến Lức (Long An) dài 29.2km.
Như vậy, sau khi tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối liên vùng TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Tổng số vốn khoảng 55,800 tỷ đồng. Trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 5,630 tỷ đồng. Hiện mới chỉ có đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn dài 16.7km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đã đưa vào khai thác. Các đoạn còn lại vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Theo đó, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch với chiều dài 34.3km. Chạy qua địa phận tỉnh Đồng Nai 6.3km và qua TP HCM khoảng 28km. Đoạn này trong giai đoạn 1 được nghiên cứu chia làm hai dự án thành phần gồm dự án thành phần 1A và 1B.
Cụ thể, đoạn 1A từ tỉnh lộ 25B (huyện Nhơn Trạch) đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với chiều dài 8.75km. Đoạn này đã được nghiên cứu đầu tư bằng vốn ODA thông qua quỹ EDCF của Hàn Quốc tài trợ khoảng 190.96 triệu USD cho phần xây lắp và tư vấn. Hiện đang tiến hành thủ tục lựa chọn tư vấn.
Đoạn 1B (từ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) đến ngã tư Thủ Đức trên Xa lộ Hà Nội (ngã tư Trạm 2 cũ) với chiều dài 8.96km. Đoạn này được nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT. Hiện đang tiến hành thủ tục sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.
Đặc biệt, trên đoạn tuyến này sẽ có cây cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai nối Quận 9 với huyện Nhơn Trạch. Theo nghiên cứu, cầu này được đúc hẫng như cầu Long Thành trên cao tốc TP.HCM – Long Thành. Nhưng vị trí nằm cách về phía hạ lưu khoảng 3km.
Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long – đơn vị được Bộ Giao thông – vận tải giao quản lý dự án) kiến nghị đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đơn vị nghiên cứu, khi hình thành tuyến đường Vành đai 3 sẽ kết nối giao thông liên tỉnh.
Đó là tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, quốc lộ 1 và tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đang xây dựng. Tạo thành mạng lưới giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh liền kề và 7 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết. Tuyến vành đai 3 rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của TP.HCM nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung. Bởi đây là tuyến huyết mạch mang tính kết nối vùng. Và giúp hạn chế phương tiện đi qua thành phố để lưu thông theo hướng Đông Tây. Góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông.