Đề xuất cho người vay hoãn trả nợ giai đoạn giãn cách xã hội

Đề xuất cho người vay hoãn trả nợ giai đoạn giãn cách xã hội. Hiệp hội Ngân hàng đề xuất cho người vay chậm trả nợ trong thời gian giãn cách theo chỉ thị 16.

Nội dung này nằm trong loạt đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) góp ý với Ngân hàng Nhà nước về dự thảo sửa đổi Thông tư 01 liên quan đến cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Đề xuất cho người vay hoãn trả nợ giai đoạn giãn cách xã hội

Theo đó, VNBA đề xuất cho phép tại khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16 có thể hoãn trả nợ, trừ khi họ tự nguyện trả nợ bằng chuyển khoản, nộp tiền vào tài khoản hoặc tài khoản khách hàng có đủ số dư để thu nợ. Trong 15 ngày sau khi kết thúc thực hiện Chỉ thị 16, nếu khách vay trả đầy đủ nợ gốc, lãi hoặc được gia hạn hoặc cơ cấu nợ thì sẽ được giữ nguyên nhóm nợ.

Đây là lần thứ ba sửa đổi Thông tư 01 liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngân hàng bởi đại dịch Covid-19 và theo VNBA, cũng không loại trừ khả năng phải sửa đổi lần thứ tư nếu Ngân hàng Nhà nước dựa vào kế hoạch, mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Chính phủ từng xây dựng kịch bản cả nước mắc 30,000 ca nhiễm bệnh, hiện nay con số đã lên gấp hơn 10 lần.

Do đó, Hiệp hội cho rằng một số điểm Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng mang tính ổn định xuyên suốt, tránh phải sửa đi sửa lại nhiều lần kèm theo điều kiện gây khó khăn cho các ngân hàng.

Dự thảo Thông tư đang quy định chi tiết, cơ cấu nợ cho các khoản vay có nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, VNBA kiến nghị việc cơ cấu nợ được thực hiện cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch, thay vì đang quy định mốc thời gian cụ thể như hiện nay

VNBA đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước quy định các thời điểm cơ cấu, phát sinh nợ trong một khoảng thời gian cụ thể là cảm tính, dựa trên các kịch bản và quyết sách chống dịch. Quy định chi tiết như hiện nay sẽ khiến Thông tư 01 phải liên tục sửa đổi, bổ sung thời điểm kèm theo nhiều nội dung khác liên quan nhằm bổ sung ngày càng chặt, gây khó cho các tổ chức tín dụng khi thực hiện.

Hiện nay, dự Thảo Thông tư quy định thời hạn cơ cấu nợ “không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng cơ cấu lại hạn trả nợ hoặc từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu”.

Quy định này theo Hiệp hội chưa phù hợp với thực tế các khoản vay trung, dài hạn. Do đó, Hiệp hội kiến nghị cho phép cơ cấu nợ “tối đa 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay”. Theo VNBA, các nhà băng vẫn phải trích 100% dự phòng trong ba năm nên họ không dám cơ cấu vốn trung dài hạn một cách vô tận. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc sửa quy định thời hạn tối đa cơ cấu nợ để phù hợp thực tế.

Đây cũng là nội dung mà nhiều doanh nghiệp trông đợi được sửa đổi nhất, khi thời hạn cơ cấu nợ tối đa 12 tháng kể từ lúc cơ cấu là “quá ngắn và doanh nghiệp chưa thể kịp hồi phục”.

 

Ngoài ra, Hiệp hội cũng góp ý thêm nhiều nội dung chi tiết khác liên quan đến Thông tư 01.

Hiện nay, quy định cũng mới chỉ cho phép ngân hàng cơ cấu nợ cho doanh nghiệp dựa trên tiêu chí doanh thu sụt giảm. Tuy nhiên trên thực tế, có nhưng doanh nghiệp như mảng thi công xây lắp dù doanh thu thể hiện trên báo cáo tài chính chưa sụt giảm nhưng dòng tiền bị gián đoạn, gặp khó khăn trong trả nợ. Do vậy, VNBA kiến nghị bổ sung thêm quy định cho phép cơ cấu nợ với doanh nghiệp bị gián đoạn dòng tiền.

Hiệp hội cũng cho biết thêm, các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hiện chiếm tới khoảng 70% – 80% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng. Số nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18/5 năm nay đến thời điểm dự thảo Thông tư có hiệu lực là rất lớn, để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là thận trọng, an toàn hệ thống, không để ngân hàng che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ là phù hợp quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo VNBA, Ngân hàng Nhà nước nên báo cáo Chính phủ thực trạng các doanh nghiệp và ngân hàng ảnh hưởng nghiêm trọng, kèm theo nợ xấu sẽ tăng đột biến trong tương lai. Từ đó, VNBA mong muốn Chính phủ ban hành Nghị quyết riêng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Phước Sửu

Theo Vnexpress

5/5 - (1 bình chọn)

Comments are closed.

Bài viết liên quan