Bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua. Theo kế hoạch của Chính phủ, các đường bay quốc tế sẽ hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/3/2022 đi kèm chương trình “hộ chiếu vacxin”. Với 79 quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận hộ chiếu vacxin, quyết định mở cửa du lịch toàn quốc sẽ thu hút lượng lớn du khách nước ngoài quay lại Việt Nam. Đây là thông tin tích cực đối với thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sau một thời gian nằm im “chờ thời”.
Ông lớn khởi động siêu dự án
Kỳ vọng du lịch cả nước sẽ sôi động trở lại khi mở cửa đón khách quốc tế, nhiều tập đoàn địa ốc đã nhanh tay đẩy mạnh các dự án nghỉ dưỡng đang triển khai, đồng thời đầu tư phát triển những dự án mới trong năm 2022.
Đơn cử như NovaGroup sau khi phát triển hai “thành phố” du lịch nghỉ dưỡng là NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận) và NovaWorld Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu) thì đã bắt tay phát triển một đô thị du lịch tại vùng ĐBSCL.
Đầu năm 2022, NovaGroup và hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City thuộc thị xã Tân Châu (An Giang) và huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Mekong Smart City được kỳ vọng trở thành điểm đến thu hút du lịch tiểu vùng sông Mekong, từng bước kiến tạo những khu đô thị biên giới kiểu mẫu tại Việt Nam.
Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng vừa công bố dự án TP bán đảo du lịch thương mại thông minh đẳng cấp quốc tế MerryLand (TP bán đảo Hải Giang) Quy Nhơn tại Bình Định. Đây là dự án đang được khẩn trương hoàn thiện, quy mô 695 ha với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 57.000 tỉ đồng.
Để đón dòng khách quốc tế cao cấp, Tập đoàn Hưng Thịnh đã bắt tay với gần 20 thương hiệu toàn cầu và những tập đoàn nổi tiếng trong nước như Marriott, Sheraton, Samsung Everland, Boston Consulting Group (BCG), Vietravel… Kỳ vọng TP bán đảo Hải Giang sẽ phục vụ lượng khách “khủng” 37.000 khách/ngày đêm.
Mới đây, Công ty cổ phần Vinpearl và Tập đoàn Khách sạn Meliá Hotels International cũng công bố lộ trình hợp tác chiến lược nhằm khai thác lợi thế của hai bên. Theo đó, Vinpearl sẽ hợp tác chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho Meliá Hotels International.
Tháng 2/2022, Sun Property (thành viên Sun Group) cũng chính thức ra mắt dự án quần thể BĐS nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen tại Quảng Xương, Thanh Hóa quy mô gần 100 ha.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, năm 2022 dự kiến sẽ đón nhận nhiều dự án khách sạn mang thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động như Regent Phú Quốc, Voco Hotel Đà Nẵng, Best Western Plus Marvella Nha Trang, Radisson Resort Phan Thiết, Mercure Đà Lạt…
Số lượng dự án khách sạn và resort có thương hiệu tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, từ 36 dự án (8.200 phòng) vào năm 2010 lên đến 120 dự án (32.000 phòng) vào cuối tháng 1/2022.
Khoảng 64 thương hiệu khách sạn quốc tế đã hiện diện tại thị trường Việt Nam. Việc đồng hành cùng với các đơn vị điều hành quốc tế sẽ giúp các khách sạn có thể tiếp cận nhóm khách hàng rộng hơn, đặc biệt là thị trường khách nước ngoài.
Tăng chất lượng quản lý, vận hành
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, khách du lịch sẽ trở thành lực đẩy cho thị trường địa ốc. Đặc biệt, khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại sẽ giúp BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trở thành điểm sáng để đầu tư trong năm 2022.
Năm nay, sự phát triển của phân khúc này sẽ được cải thiện nhờ những quy định của Luật Đầu tư sửa đổi 2020 và Luật Đất đai 2013 sửa đổi đang được hoàn thiện, trong đó có vấn đề pháp lý cho BĐS du lịch. Năm 2022 là năm quan trọng quyết định sự phục hồi của thị trường này.
“Phân khúc này đang có sự cơ cấu lại. Những tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng đang dần thay thế cho những dự án nhỏ lẻ. Hầu hết nhà đầu tư sẽ quan tâm tới đại đô thị du lịch chất lượng cao” – ông Đính nói.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Vietnam, đánh giá khi ngành du lịch sôi động trở lại sẽ tác động tích cực lên BĐS du lịch. Tuy nhiên, loại hình này sẽ có độ trễ nhất định vì còn chịu sự tác động của một số yếu tố khác.
Điều quan trọng nhất để phục hồi phân khúc này bền vững là các chủ đầu tư phải nâng cao năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án và đối tác quản lý vận hành với các tiêu chuẩn được cam kết, từ đó mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
“Một thách thức của BĐS nói chung là áp lực tăng giá do chi phí đầu vào tăng cao. Vì vậy, chủ đầu tư phải đưa ra những chính sách bán hàng hấp dẫn hơn trong năm nay mới thu hút được nhà đầu tư” – ông Hoàng góp ý.
Các chuyên gia dự báo những địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc… đang có sự thay đổi cả về chất lượng và sản phẩm du lịch nên sẽ phục hồi sớm hơn. Bên cạnh đó, những địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Phú Yên… cũng có tiềm năng phát triển nhờ vào lợi thế về du lịch, hạ tầng giao thông được nâng cấp.
Đón hơn 49.000 lượt khách quốc tế trong hai tháng đầu năm
Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách đến Việt Nam qua hai tháng đầu năm đạt 49.200 lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 43.200 lượt người, chiếm 87,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 135,4%.
Lượng khách quốc tế tăng mạnh trong hai tháng đầu năm do Việt Nam đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục.
Phước Sửu
Theo https://plo.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-nghi-duong-tro-lai-duong-dua-1047326.html