Trước thực trạng “dự án ma” lộng hành khắp nơi, người dân cần trang bị những bí kíp sau để không mất tiền oan vào những bất động sản “ma” như Alibaba từng rao bán. Tránh “sập bẫy” dự án ma với 7 kinh nghiệm không thể qua, quý khách hàng cần lưu ý một số vấn đề sau.
1️⃣ Nghiên cứ hồ sơ pháp lý dự án
Theo quy định của pháp luật, tất cả các dự án hợp lệ đều phải được cơ quan chức năng phê duyệt. Vì vậy, đây là căn cứ đầu tiên mà bạn cần xem xét để nhận biết những “dự án ma”. Đối với đất nền, khách hàng cần yêu cầu bên bán cho xem bản chính giấy tờ chứng minh quyền sở hữu lô đất đó như: sổ đỏ, sổ hồng, thông báo và biên lai nộp thuế trước bạ, bản vẽ hiện trạng,….Để chắc chắn, bạn có thể đến các cơ quan như Phòng TN&MT quận/huyện hoặc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất để xác minh thông tin xem lô đất đó có nằm trong diện quy hoạch hay không.
Đối với chung cư, bạn có thể kiểm tra pháp lý bằng cách yêu cầu được xem giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chủ đầu tư, giấy phép xây dựng dự án chung cư,… Ngoài ra cũng cần xem xét dự án đã đủ điều kiện mở bán chưa, bởi theo Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư chỉ được phép ký kết Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai với khách hàng sau khi dự án đã hoàn thành xây xong phần móng.
2️⃣ Kiểm tra thế chấp ngân hàng
Đây là cách giúp nhà đầu tư tránh mua phải bất động sản đang bị sở hữu chéo, nói cách khác là bị thế chấp tại nhiều tổ chức tín dụng. Để kiểm tra dự án có đang thế chấp ngân hàng hay không, bạn phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sở giấy tờ pháp lý đồng thời tìm hiểu thông tin về dự án qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong trường hợp chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp, bạn cần theo dõi và giám sát chặt chẽ dự án, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải chấp các tài sản trên trước thời điểm bàn giao bất động sản cho bên mua.
3️⃣ Chọn chủ đầu tư – “Chọn mặt gửi vàng”
Không loại trừ trường hợp người bán, môi giới xưng danh chủ đầu tư nhưng thực tế dự án chưa có, đất vẫn thuộc quyền của người khác. Vì vậy, người mua chỉ nên chọn những dự án có chủ đầu tư uy tín, căn cứ vào tiềm lực tài chính và những dự án trước đó mà chủ đầu tư này đã thực hiện. Lai lịch chủ đầu tư cũng như các thông tin liên quan đến doanh nghiệp và người đại diện đứng ra giao dịch cần được người mua kiểm tra kỹ.
Lưu ý, nhưng chủ đầu tư uy tín thường có các dự án xây dựng đúng tiến độ, đúng cam kết thi công, bàn giao nhà đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng thời hạn. Bạn cũng có thể tìm hiểu năng lực tài chính của chủ đầu tư thông qua báo cáo tài chính năm trong thời gian gần nhất. Đối với những chủ đầu tư nợ đọng vốn lớn ở các ngân hàng, có nhiều dự án bị thế chấp trong thời gian dài thì khách hàng không nên tiếp cận vì có thể dự án sắp triển khai cũng đã bị thế chấp. Tham khảo từ chính người dân đã mua các dự án trước đó của chủ đầu tư cũng là cơ sở để bạn biết năng lực thực sự của chủ đầu tư thế nào.
4️⃣ Không quá tin vào thông tin quảng cáo
Đừng quá tin vào những lời “đường mật” mà quảng cáo dự án hay môi giới rót vào tai bạn. Đó có thể chỉ là chiêu thức marketing của chủ đầu tư nhằm thu hút khách hàng. Còn thực tế giữa quảng cáo với dự án thực tế lại khác nhau một trời một vực. Khi giới thiệu sản phẩm, các nhân viên môi giới thường đưa ra nhiều thông tin làm nhiễu khả năng phân tích của người mua, tạo sự mất cảnh giác. Khách hàng bị hấp dẫn nên luôn có cảm giác vội vã, không kịp suy nghĩ, gấp rút ký hợp đồng, xuống tiền mà không kịp tìm hiểu kỹ thông tin.
Để tránh tình trạng này, nhà đầu tư chỉ nên mua những bất động sản có thông tin quảng cáo thể hiện đúng với hồ sơ thiết kế, quy hoạch của dự án được phê duyệt. Việc đối chiếu này đòi hỏi bạn phải thật tỉnh táo, không quá tin vào những lời chào mời, hứa hẹn của đối phương. Cẩn thận hơn, nhà đầu tư nên có sự tham vấn của Luật sư hoặc những người có kinh nghiệm, am hiểu pháp luật. Họ sẽ giúp bạn đánh giá những rủi ro khi tham gia giao dịch và đưa ra những tư vấn, lời khuyên hữu ích.
5️⃣ Khảo sát thực tế dự án
Pháp luật quy định dự án có đầy đủ cơ sở hạ tầng mới được phép lưu thông nhưng hầu hết các “dự án ma” thường không đảm bảo được điều này. Nhiều dự án chỉ làm đường đá sỏi tạm bợ, lòng đường hẹp từ 4 – 6m (trong khi quy định của Nhà nước yêu cầu đường tối thiểu là 8m). Hệ thống hạ tầng của các dự án này cũng không đảm bảo về điều kiện theo đúng quy định về xây dựng hạ tầng cho dự án phân lô bán nền. Vì vậy, bạn cần phải đến khảo sát thực tế để nắm bắt tình hình, trường hợp nhận thấy có dấu hiện trên thì nên cẩn thận nếu không muốn sập bẫy “dự án ma.
6️⃣ Kiểm tra kỹ hợp đồng giao dịch
Trên thực tế, các vụ lừa đảo như Alibaba đều ký với người mua những hợp đồng đội lốt “dự án ma” như hợp đồng hứa mua hứa bán, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng thỏa thuận đầu tư,…Biểu hiện rõ nhất là lời mời chào khách hàng nhưng không nhằm để mua bán đất mà là để đặt chỗ mua trước, “làm ăn chung”, dụ dỗ người mua rót vốn vào sau đó rất khó thu hồi, thậm chí là mất trắng.
Do đó, khách hàng phải thật tỉnh táo khi ký hợp đồng. Cần phải biết rõ chủ tài sản là ai và nên ký hợp đồng chỉ với chủ tài sản, trừ trường hợp ký với cá nhân ủy quyền cho cá nhân theo văn bản ủy quyền tại phòng công chứng. Nếu là hợp đồng với công ty môi giới thì người mua cần kiểm tra văn bản giữa chủ đầu tư và công ty môi giới để xen phạm vi công ty môi giới có thể ký kết và thu tiền của khách hàng đến đâu.
7️⃣ Đàm phán điều khoản bất lợi
Mẫu hợp đồng chuẩn và được soạn sẵn chỉ là cái cớ mà nhiều chủ đầu tư đưa ra để lờ đi việc đàm phán các điều khoản. Trong khi pháp luật quy định người mua hoàn toàn có quyền thương thuyết, thêm bớt hay thay đổi điều khoản hợp đồng trước khi ký. Vì vậy, khách hàng mua nhà đất dự án nên xem xét và đề xuất sửa đổi các điều khoản bất lợi cho bên mua trong hợp đồng. Nếu mua nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư đưa nhà mẫu vào phụ lục hợp đồng, như một cam kết đó là mẫu nhà hoặc cấu trúc nhà sẽ bàn giao.
Theo batdongsan.com